Tuesday, October 8, 2013

Cùng với chip bốn lõi, màn hình Full HD, chống nước chống bụi, tính năng sạc không dây trở thành yếu tố mới mẻ trên các smartphone năm 2013. Tính năng nầy thực sự hữu dụng, hay chỉ là "đòn cạnh tranh" mới từ nhà sản xuất?

Sạc không dây có hay thật sự?


Trước hết, công nghệ sạc không dây được phát minh để giúp thiết bị điện tử trở nên thân thiện hơn với người dùng gặp bất tiện trong việc cắm điện, ghim sạc,... Hơn nữa, sạc không dây chỉ thực sự tiện lợi khi loại bỏ những ràng buộc dây nhợ về mặt giao tiếp. Người dùng cũng không cần lo ngại các sự cố về điện (như chập mạch) có thể ảnh hưởng đến thiết bị điện tử của mình. 

Không những vậy, cơ chế sạc đó tỏ ra hiệu quả với những thiết bị điện tử được cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân trong lĩnh vực y khoa. Vì việc luồn dây vào trong cơ thể để sạc pin sẽ làm gia tăng những rủi ro về mặt sức khoẻ người bệnh. 

Tuy nhiên, smartphone liệu có thực sự cần được tích hợp sạc không dây hay không? Đó vẫn là một câu hỏi lớn trong giai đoạn sạc không dây dần trở nên phổ biến trong thế giới di động.

Nghịch lý đầu tiên về tính tiện dụng của sạc không dây chính là đặc tính... “không dây” của cơ chế sạc nầy. Không dây, nghĩa là bạn có thể tận dụng nguyên lý sạc cảm ứng điện từ dựa trên giao tiếp giữa thiết bị hỗ trợ và đế sạc. Dù việc sạc như vậy giúp hạn chế được sự phức tạp của những dây nhợ lỉnh kỉnh đi kèm thiết bị, nhưng đế sạc vẫn phải cắm điện với dây. Và như vậy, sạc “không dây” nhưng đế sạc cần một kết nối “có dây”. 

Bên cạnh đó, sạc không dây cũng không hoàn toàn tiện dụng như tên gọi của nó. Với đặc tính chỉ có tác dụng sạc trong khoảng cách ngắn, người dùng phải đặt sát thiết bị với đế sạc thì mới có thể nạp thêm dung lượng pin trên thiết bị. Một khi tiếp xúc chạm giữa đế sạc và smartphone vô tình bị ngắt, quá trình sạc sẽ lập tức bị gián đoạn. 

Cùng với việc “dính chặt” vào đế sạc, khả năng sử dụng điện thoại để nghe, gọi, chơi game,… hoàn toàn bị vô hiệu hoá. Trong khi đó, khi cắm sạc với cốc sạc có dây dài cả mét thì người dùng có thể cầm tay và thực hiện các thao tác cần thiết lúc đang sạc một cách khá thuận tiện. Dĩ nhiên là chỉ nên sử dụng thiết bị đang sạc pin khi thực sự khẩn cấp, nhằm hạn chế gây hại cho nguồn pin và hiểm hoạ cháy nổ có thể xảy ra.
Ngoài ra, sạc không dây cũng thể hiện rõ điểm yếu về hiệu suất sạc. Ví dụ, Magne Charge - hệ thống sạc không dây dành cho xe hơi - có hiệu suất khoảng 86%, đồng nghĩa với 14% công suất hao phí tiêu tán trong quá trình sạc (phát nhiệt). Hiệu suất thấp sẽ dẫn đến quá trình sạc đầy pin cũng kéo dài lâu hơn so với cơ chế sạc có dây truyền thống.

Trở ngại cuối cùng: Việc tích hợp sạc không dây đòi hỏi người dùng phải chi ra một khoản tiền kha khá để mua sắm thiết bị. Nếu có một chiếc Nokia Lumia 820, người dùng sẽ phải mua thêm một chiếc nắp hỗ trợ sạc không dây và một chiếc đế sạc tương thích. Khoảng phí đó khiến chi phí mua sắm smartphone tăng vọt đáng kể - từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng - so với một cục sạc có dây được tặng kèm (miễn phí) khi mua máy.
Tương lai mở

Sự xuất hiện ngày càng "dầy đặc" của tính năng sạc không dây khiến nhiều người trong chúng ta có thể liên tưởng đến những trào lưu trước đây trong thế giới di động. Có thể đó sẽ là tính năng phổ biến của smartphone tương lai, tương tự các khả năng chụp ảnh, phát nhạc, lướt web… hiện nay. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc nó có thể dần biến mất, tương tự những công nghệ “loé sáng” như điện thoại 3D, điện thoại máy chiếu. Và điều nầy được quyết định bởi mức độ “chín” của công nghệ và quy luật cung cầu của thị trường tiêu dùng. 

Trước hết, tiêu chuẩn sạc truyền thống đang dần được chuẩn hoá thành một thể thống nhất. Trong tương lai gần, mọi điện thoại trong một gia đình có thể dùng chung một đế sạc với cổng microUSB thông dụng dành cho sạc và giao tiếp dữ liệu. 

Trong lúc đó, sạc không dây xuất hiện và có sự phân hoá thành nhiều tiêu chuẩn với độ tương thích lẫn nhau hãy còn kém: Qi, PMA và A4WP. Thiết bị và phụ kiện hỗ trợ chuẩn sạc nầy có thể sẽ không tương thích với chuẩn sạc khác. 

Phần lớn các smartphone hiện sử dụng chuẩn sạc Qi. Trong khi đó, chuẩn sạc PMA, được Google ủng hộ, hứa hẹn sẽ trở thành chuẩn phổ biến cho các thiết bị của tương lai. Như vậy, để đạt được tính tương thích cao giữa các thiết bị, các liên minh hậu thuẫn sạc không dây cần ngồi lại với nhau để thống nhất một tiêu chuẩn phát triển vững bền cho tương lai. Hoặc các nhà sản xuất thiết bị cần tích hợp cả ba chuẩn sạc không dây hiện tại vào thiết bị của họ. Và một lần nữa, giá thành sản phẩm hứa hẹn sẽ tăng lên đáng kể. Ngoài ra, còn có những rào cản về mặt chi phí và hiệu suất... 

Cách đây khoảng vài chục năm, giá máy tính có thể khiến nhiều người chỉ có thể nghĩ về chúng trong những giấc mơ. Nay, thực tế giá một chiếc máy tính đã trở nên nhẹ nhàng và “dễ thở” hơn rất nhiều. Chúng ta cũng có thể mong chờ điều tương tự xảy ra với sạc không dây trong vài năm, hoặc vài chục năm tới. Dĩ nhiên là nếu khi đó các nhà sản xuất không còn “hứng thú” với việc tích hợp tính năng ấy vào smartphone.
Cùng với vài mẫu smartphone tiên phong hỗ trợ sạc không dây lần lượt lên kệ, nhiều người dùng lạc quan đã hào hứng mong chờ vào tính hiệu dụng của sạc không dây cho cuộc sống thường ngày. Dĩ nhiên, nếu thực tế chứng minh được rằng sạc không dây là một sự phát triển tất yếu, thay vì đơn thuần là yếu tố cạnh tranh giữa các smartphone cao cấp như hiện nay. 

TIỀN GIANG

0 nhận xét :

Post a Comment