Tuesday, October 8, 2013

Sự kiện Microsoft mua lại bộ phận sản xuất thiết bị di động của Nokia có thể thúc đẩy sự phát triển hệ điều hành... Android của Google trên thiết bị di động và cả trên PC. Vì sao?

Bình luận về việc Steve Ballmer - giám đốc điều hành Microsoft - tuyên bố sẽ rời chức vụ trong vòng một năm, nhà bình luận Fahad Khan (8/2013) của trang tin Hufftington Post ca ngợi: "Thành tựu lớn nhất của Steve Ballmer trong cuộc cạnh tranh với iPhone và iPad là không bắt chước Apple, mà suy nghĩ lại về vai trò của Windows và cuối cùng tạo ra Windows 8, hệ điều hành hợp nhất đầu tiên và duy nhất trên thế giới có thể chạy trên đủ loại thiết bị. Hai công ty Apple và Google tuy mạnh mẽ nhưng sẽ phải vượt nhiều năm ánh sáng mới có thể hợp nhất các hệ điều hành của họ cho thiết bị di động và cho PC (...). Bất kỳ ai nhận chức giám đốc điều hành của Microsoft sẽ thấy rằng họ chỉ cần tiếp tục đường lối đúng đắn đã xác lập của Steve Ballmer. Mọi thay đổi cần thiết bên trong Microsoft đều đã được thực hiện".
Với việc mua lại bộ phận sản xuất thiết bị di động của Nokia, Microsoft thực sự đang đi theo con đường của Apple, trở thành nhà sản xuất phần cứng và cung cấp dịch vụ. Nokia hiện là nhà sản xuất lớn nhất những điện thoại thông minh (smartphone) dùng hệ điều hành Windows Phone của Microsoft. Khi tiếp nhận hàng chục ngàn nhân viên trong hệ thống nhà máy của Nokia, Microsoft từ nay thực sự là nhà sản xuất phần cứng. Microsoft vững tin rằng một khi kiểm soát được cả phần mềm lẫn phần cứng của điện thoại dùng Windows Phone, sản phẩm sẽ có tính sáng tạo cao hơn, thu hút nhiều người dùng hơn.
Từ lâu, Bill Gates - người sáng lập Microsoft - luôn cho rằng cần kinh doanh phần mềm độc lập với phần cứng, trái ngược với quan điểm của Steve Jobs - người sáng lập Apple. Trong thời đại PC, quan điểm của Gates đã tạo nên câu chuyện thành công thần kỳ của Microsoft. Đúng như Gates hình dung, chính phần mềm bày ra trước mắt người dùng làm nên giá trị sử dụng của PC, hầu hết người dùng không hiểu biết những chi tiết thuộc về phần cứng, phần cứng của PC chỉ là phương tiện, thường được giấu kín ở... gầm bàn. Khác với phần cứng, phần mềm có tính "lây lan". Một khi người dùng quen thuộc với Windows trên PC của mình, họ quen thuộc với mọi PC dùng Windows. Càng có nhiều người dùng Windows, Windows càng thu hút người làm phần mềm trên Windows. Càng có nhiều phần mềm trên Windows, càng có nhiều người dùng Windows. Không có cách gì chặn được cơn lốc tăng trưởng của Windows. Một khi đáp ứng được nhu cầu người dùng, người làm phần mềm cứ tiếp tục thu lợi nhuận bằng cách nhân bản phần mềm của mình với chi phí hầu như bằng không. Đó là ưu thế tuyệt đối mà người làm phần cứng không có. Trong thời đại PC, Microsoft có sức mạnh vô địch, dường như tình thế không bao giờ đảo ngược.
Khi tạo ra sản phẩm iPhone đặc sắc, Apple đã mở ra thời đại sau PC, thời đại của thiết bị di động. Không như PC, mọi chi tiết phần cứng của thiết bị di động đều góp phần tạo ra giá trị sử dụng. Điện thoại iPhone đời đầu tuy chứa rất ít phần mềm ứng dụng so với iPhone đời mới hiện nay, nhưng đã cho người dùng trải nghiệm hoàn toàn mới nhờ màn hình cảm ứng. Người chọn mua thiết bị di động luôn quan tâm đến phần cứng: vẻ đẹp, trọng lượng, thời lượng pin, cảm giác khi cầm trên tay,...
Theo thời gian, khi các nhà sản xuất phần cứng cho thiết bị di động ngày càng khó tạo ra sự khác biệt, phần mềm sẽ lại lên ngôi, giống như quá trình phát triển của PC? Thời đại di động có thể sẽ diễn biến giống như thời đại PC nếu như hệ điều hành Android không xuất hiện. Hệ điều hành nguồn mở (miễn phí) Android xuất hiện rất sớm, được tạo ra gần như đồng thời với iPhone. Bạn thử hình dung diễn biến của tình thế khi hệ điều hành nguồn mở Linux xuất hiện đồng thời với máy tính IBM PC đầu thập niên 1980. Dường như không có cách gì chặn được cơn lốc tăng trưởng của Android. Thị phần của điện thoại dùng hệ điều hành Android nay đã lên đến 80%. Hệ điều hành Windows Phone không có cơ hội tạo dựng vai trò giống như Windows trên PC. Lật ngược tình thế hiện tại là nhiệm vụ rất khó khăn của Microsoft.
Khác với phần cứng PC được chuẩn hóa ngay từ đầu, phần mềm trên thiết bị di động phụ thuộc nhiều vào phần cứng. Phần cứng đặc sắc tạo nên phần mềm đặc sắc. Cuộc đua phần cứng vẫn đang tiếp diễn. Microsoft dường như không có lựa chọn nào khác, phải sản xuất cả phần cứng lẫn phần mềm. Sau khi quyết định mua lại bộ phận sản xuất thiết bị di động của Nokia, Ballmer khẳng định rằng vẫn tiếp tục cung cấp hệ điều hành Windows Phone cho mọi nhà sản xuất điện thoại. Thế nhưng, ngoài Microsoft, có lẽ không nhà sản xuất điện thoại nào có thể yên tâm đầu tư vào sản phẩm dùng Windows Phone vì mỗi cải tiến về phần cứng để tạo nên ưu thế đặc thù phải chờ đợi sự trợ giúp thích hợp từ Microsoft, vốn cũng là nhà sản xuất phần cứng. Windows Phone trên điện thoại rất khó tiếp tục thực hiện mô hình kinh doanh giống như Windows trên PC.
Để không lệ thuộc vào Microsoft đang trở thành đối thủ khổng lồ, các nhà sản xuất phần cứng phải nghiêng về phía hệ điều hành Android. Xu hướng dịch chuyển về Android thực ra đã bắt đầu từ khi Microsoft tự sản xuất máy tính bảng Surface. Android mạnh dần lên trên máy tính bảng và lan sang cả PC. Thế hệ người dùng trẻ quen thuộc với Android trên thiết bị di động dễ dàng quen thuộc với Android trên màn hình lớn của PC.
Tuy được thiết kế cho thiết bị di động, Android đang dần biến đổi để chinh phục màn hình lớn. Ngay trong hiện tại, màn hình nhỏ của máy tính bảng Google Nexus 10 có độ phân giải 2560 x 1600, mịn hơn hầu hết màn hình PC (có độ phân giải tối đa 1920 x 1080, nhưng độ phân giải được dùng phổ biến vẫn là 1366 x 768).
Do Android là hệ điều hành nguồn mở, Samsung đã tự lực tạo ra nhiều khác biệt với sản phẩm dùng Android. Công nghệ TouchWiz trên máy tính bảng Samsung Galaxy Note 10.1 cho phép mở cửa sổ riêng cho một ứng dụng trên nền một ứng dụng khác, điều không hề có trong dòng sản phẩm Nexus của Google. Nếu dùng màn hình lớn, việc chạy các ứng dụng Android trong các cửa sổ khác nhau thực sự là nhu cầu cấp thiết.

Các cửa sổ ứng dụng Android trên máy tính bảng Samsung Galaxy Note 10.1.

Sản phẩm Samsung ATIV Q dùng Windows 8 và Android 4.2.
Người dùng sản phẩm ATIV Q của Samsung có thể chuyển bật qua lại hai hệ điều hành Windows 8 và Android 4.2 (phiên bản "kẹo Jelly Bean"). ATIV Q có màn hình cảm ứng 13.3 inch (3200 x 1800) được dùng như máy tính bảng (tablet) hoặc máy tính xách tay (laptop) khi gắn với bàn phím.
Sản phẩm Transformer Book Trio của Asus cũng dùng cả hai hệ điều hành Windows 8 và Android 4.2, có màn hình cảm ứng 11.6 inch (1920 x 1080), thực hiện đồng thời ba vai trò: máy tính bảng, máy tính xách tay và máy tính để bàn (desktop). Khi được dùng như máy tính bảng, Book Trio chạy Android. Khi gắn với bàn phím, Book Trio cho phép người dùng chọn Windows 8 hoặc Android. Khi gắn với "trạm" PC Station có bộ xử lý Core i7 và đĩa cứng 750 GB, Book Trio chỉ dùng Windows 8.
Trong tháng 9/2013, HP đưa ra thị trường sản phẩm Slate 21 trông như máy tính để bàn "tất cả trong một" (all-in-one desktop) với màn hình cảm ứng lớn 21.5 inch (1920 x 1080), chỉ dùng hệ điều hành Android do HP sửa đổi, có khả năng chạy các ứng dụng Windows (như Kingsoft Office).
Khi trình duyệt Google Chrome trên Android "trưởng thành", những ứng dụng Chrome (Chrome app) trên PC dễ dàng xuất hiện trên Android, hệ sinh thái Android sẽ mạnh mẽ hơn nữa.

Sản phẩm Asus Transformer Book Trio dùng Windows 8 và Android 4.2.

Sản phẩm HP Slate 21 dùng phiên bản Android của riêng HP.
Tuy vậy, Android vẫn có điểm yếu rõ ràng của một hệ điều hành nguồn mở: sự tương thích giữa những thiết bị dùng Android, giữa những "biến thái" của Android. Tính nhất quán của Windows 8 có thể trở thành lợi thế đặc thù. Nếu Microsoft không ép buộc mọi ứng dụng Windows 8 phải được phân phối qua cửa hàng Windows Store (theo cách "độc tài" như App Store của Apple), hệ sinh thái Windows 8 có thể phát triển đủ nhanh để cạnh tranh với hệ sinh thái Android. Thị trường tự do của ứng dụng Windows đã từng là yếu tố quan trọng giúp máy tính PC chạy Windows áp đảo máy tính Mac. Tuy nhiên, Microsoft đã không chọn phương án như vậy và lặp lại mô hình kinh doanh của Apple.
Theo nhà bình luận Michael Mace (9/2013), để Microsoft giành thắng lợi sau cùng trong cuộc chiến mới, hết sức phức tạp, người thay thế Ballmer phải là một... thiên tài dị thường (mad genius).
NGỌC GIAO

0 nhận xét :

Post a Comment